Chuyển tới nội dung

Bước đầu ứng dụng GIS xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam như thế nào?

10.06.2020

Thành phố thông minh sẽ không trở thành hiện thực nếu như không có hạ tầng dữ liệu không gian (Infracstruture – SDI). Chính Phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể về thông tin địa lý (Geographical Information System – GIS) và thông tin đất đai, có tới 80% diện tích lãnh thổ đã được phủ bản đồ số, hầu hết các đô thị đã có bản đồ địa hình 1/2000, đây là điều kiện quan trọng để xây dựng SDI. Để xây dựng và vận hành được SDI cần nền tảng mạnh về lưu trữ, quản lý và phân tích thông tin không gian; hiện nay có thể nói GIS hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ này,đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Hình 1: Các lớp dữ liệu GIS phục vụ xây dựng thành phố thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn để thí điểm xây dựng thành phố thông minh theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an sinh xã hội. Bước đầu, GIS được ứng dụng cho mô hình thí điểm này như sau:

TPHCM có nền tảng thông tin địa lý với hơn 60 lớp dữ liệu HCMGIS, ứng dụng bản đồ du lịch tại các quận huyện,...

Hàng chục ứng dụng GIS khác như hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm, hệ thống quản lý vùng sản xuất rau trên địa bàn TPHCM, hệ thống quản lý lâm sản và động vật hoang dã, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương, ứng dụng phục vụ công tác giám sát chất lượng nước và môi trường cho Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, ứng dụng quản lý hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM.

TPHCM đã xây dựng Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal cung cấp nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, tài liệu và bản đồ trong HCMGIS.

Nhà cung cấp dữ liệu có thể tải dữ liệu lên hệ thống, nhập thông tin và biên tập hiển thị dữ liệu. Song song đó, người dùng có thể linh hoạt khai thác dữ liệu, xem dữ liệu, chồng lớp dữ liệu để biên tập và chia sẻ các bản đồ, tải dữ liệu từ hệ thống với nhiều định dạng khác nhau.

Hơn nữa, với mong muốn thành lập cộng đồng GIS nhằm thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc ứng dụng GIS bằng các giải pháp mới, Sở KH-CN TPHCM còn có chương trình hỗ trợ chuyên gia tư vấn và tài chính để các đơn vị này có điều kiện triển khai ứng dụng GIS.

Đặc biệt, năm 2019, Sở KH-CN TPHCM phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TPHCM”.Cuộc thi đã thu hút 72 sản phẩm trong nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Các sản phẩm dự thi là những giải pháp sáng tạo ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TPHCM, xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh như giải pháp ứng dụng nền tảng HCMGIS (HCMGIS Platforms) với dự án “Lưu giữ Sài Gòn”; giải pháp ứng dụng GIS vào kinh doanh (nhóm tác giả từ Công ty CP Cấp nước Trung An); giải pháp sáng tạo ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước (nhóm tác giả Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Thiện - Công ty CP Cấp nước Bến Thành); thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập cho TPHCM; giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động.

Hình 2: Kết nối dữ liệu không gian trong đô thị thông minh

Trong tương lai, để thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh mơ ước, đáng sống, cần nhiều hơn thế những giải pháp ứng dụng GIS. Mô hình này thành công sẽ được nhân rộng trên cả nước.

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Tài liệu tham khảo:

https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/ung-dung-gis-xay-dung-thanh-pho-thong-minh/

https://www.sggp.org.vn/trao-giai-cho-5-giai-phap-ung-dung-gis-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-630666.html

Bài viết khác