Quá trình phát triển
Tổ giáo viên Trắc địa - Bản đồ được thành lập năm 1999 thuộc trường Trung học Địa chính Trung ương 1. Năm 2001, tổ giáo viên Trắc địa - Bản đồ phát triển thành khoa Trắc địa - Bản đồ. Từ năm 2005 đến 2010, quá trình Trường phát triển thành trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và khoa Trắc địa - Bản đồ là một trong những Khoa chủ chốt của nhà Trường. Năm 2018, khoa Trắc địa - Bản đồ được đổi tên thành khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý.
Hiện nay, Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý có hai cơ sở gồm: Cơ sở 1 tại số 41A, đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Cơ sở 2 tại số 4, đường Trần Phú, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
- Cơ sở 1 gồm Ban lãnh đạo khoa, các bộ môn, phòng chuyên môn:
- Bộ môn Trắc địa Cơ sở, Cao cấp, Công trình.
- Bộ môn Bản đồ, Viễn thám và GIS.
- Phòng máy Trắc địa.
Bộ môn Trắc địa Cơ sở, Cao cấp, Công trình có 15 giảng viên, 08 tiến sỹ, còn lại là thạc sỹ. Chức năng, nhiệm vụ của bộ môn là giảng dạy các môn: Trắc địa cơ sở, xử lý số liệu trắc địa, thực tập đo đạc địa chính, đo đạc địa hình, Định vị vệ tinh, Đo trọng lực, Trắc địa cao cấp đại cương, trắc địa lý thuyết, trắc địa công trình,…
Bộ môn Bản đồ, Viễn Thám và GIS hiện nay có 08 giảng viên, trong đó 01 Phó giáo sư, 05 trình độ tiến sỹ, còn lại là thạc sỹ. Chức năng, nhiệm vụ của bộ môn là giảng dạy các môn: Cơ sở đo ảnh, cơ sở viễn thám, đo ảnh, công nghệ viễn thám, quản lý dự án đo đạc bản đồ, xử lý ảnh viễn thám, ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường,…
- Phân hiệu Thanh Hóa gồm có 2 bộ môn và phòng chuyên môn:
- Trắc địa và Địa chất khoáng sản.
- Bản đồ và Viễn Thám
- Phòng máy Trắc địa.
Bộ môn Trắc địa và Địa chất khoáng sản có 8 giảng viên, Bộ môn Bản đồ và Viễn thám có 6 giảng viên. Phòng máy Trắc địa có số lượng máy phong phú, cập nhật tiến bộ của thực tiễn sản xuất. Phân hiệu là địa chỉ tin cậy, có uy tín và thương hiệu trong hệ thống các trường dạy nghề của ngành nói riêng và cả nước nói chung, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao của Ngành, mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp trong cả nước, phù hợp với nhu cầu thực tế và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong Nhà trường là hai hoạt động mang tính chiến lược, trong đó việc giảng viên tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội. Vì vậy, số lượng và chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa ngày càng tăng, nhiều công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín. Hoạt động nghiên cứu khoa học rất phong phú đa dạng, thể hiện qua nhiều lĩnh vực như:
- Nghiên cứu hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống hạ tầng thông tin đo đạc và bản đồ: Hệ quy chiếu quốc gia; mô hình Quasigeoid,…
- Công nghệ 3S: Xây dựng và khai phá cơ sở dữ liệu về thành phố thông minh, quản lý đất đai, biến đổi khí hậu,…
- Xây dựng mô hình: Theo công nghệ hiện đại như bản đồ đa phương tiện, bản đồ đa chiều, bản đồ điện tử,…
- Công nghệ mới: Trong đo đạc địa hình đáy biển, trong trắc địa công trình trong quan trắc chuyển dịch vỏ trái đất,…
Bên cạnh đó, Khoa Trắc địa Bản đồ và Thông tin địa lý đã xuất bản được nhiều giáo trình, bài giảng phục vụ đào tạo đại học các chuyên ngành Trắc địa cơ sở, Trắc địa cao cấp - công trình, Bản đồ, Viễn thám và GIS,... và các giáo trình đào tạo thạc sỹ ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ.
Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý hiện nay đang đào tạo hệ Thạc sỹ và Đại học ngành Kỹ thuật Trắc địa, Bản đồ với đối tượng đa dạng như chính quy, liên thông và vừa làm vừa học. Thời gian đào tạo thạc sỹ là 1,5 năm; Đại học chính quy và Vừa làm vừa học là 4 năm, Đại học liên thông là 1,5 năm. Các mảng đề tài tốt nghiệp đại học và luận văn cao học đều có tính mới và cấp thiết trong việc lựa chọn và phát hiện, giải quyết vấn đề với những hướng ứng dụng đa dạng, gắn liền với xu hướng phát triển ngành và nhu cầu xã hội trong điều kiện Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Khoa TĐBĐ&TTĐL đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, giúp khoa ngày một vững mạnh hơn trên con đường sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng mà Khoa TĐBĐ&TTĐL đã đạt được trong những năm qua:
TT | Năm | Hình thức khen thưởng | Quyết định khen thưởng |
---|---|---|---|
1 | 2008 | Bằng khen Bộ trưởng | Quyết định số 1216/QĐ-BTNMT, ngày 3 tháng 7 năm 2009 |
2 | 2012 | Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ | Quyết định số 1328/QĐ- BTNMT, ngày 21 tháng 03 năm 2012 |
3 | 2013 | Huân chương lao động hạng Ba | Quyết định số 2774/QĐ-CTN, ngày 01 tháng 11 năm 2014 |
4 | 2013 | Tập thể lao động xuất sắc | Quyết định số 309/QĐ-BTNMT, ngày 10 tháng 3 năm 2014 |
5 | 2014 | Tập thể lao động xuất sắc | Quyết định số 1013/QĐ-BTNMT, ngày 27 tháng 4 năm 2015 |
6 | 2015 | Tập thể lao động xuất sắc | Quyết định số 647/QĐ-BTNMT, ngày 30 tháng 3 năm 2015 |
7 | 2016 | Tập thể lao động tiên tiến | Quyết định số 225/QĐ-TĐHHN, ngày 20 tháng 01 năm 2017 |
8 | 2017 | Tập thể lao động tiên tiến | Quyết định số 209/QĐ-TĐHHN, ngày 23 tháng 01 năm 2018 |
Với mục tiêu cùng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đến năm 2035 trở thành trường đại học trọng điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín quốc tế, Khoa Trắc địa, Bản Đồ và Thông tin địa lý không chỉ phấn đấu tiếp tục mở rộng quy mô mà còn duy trì, thường xuyên nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thể hiện ở tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, giỏi và khá tăng lên theo từng năm; nhiều học viên, sinh viên ưu tú như: Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa toàn trường, học viên cao học tốt nghiệp thủ khoa. Nhiều thế hệ sinh viên, học viên của Khoa hiện nay đang công tác ở các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, viết tiếp trang sử vẻ vang của thế hệ cán bộ ngành Trắc địa - Bản đồ nói chung và Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý nói riêng. Thành quả này là nguồn động viên to lớn, tiếp sức cho thế hệ thầy cô giáo trong Khoa vững bước trên con đường đã chọn.